Công Ty Cổ Phần Truyền Hình Cáp Sông Thu

Giải trí truyền hình: Điểm nóng giám khảo

Email In PDF.

Giám khảo trong các chương trình truyền hình mang tính tương tác cao cũng tạo ra sức nóng không kém phần thi của thí sinh. Họ phải làm sao để góp phần thu hút công chúng nhưng lại phải đối mặt với “búa rìu” dư luận

Vai trò giám khảo trong các cuộc thi truyền hình trực tiếp ở Việt Nam đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu chỉ ngồi chấm điểm là chính, cho đến khi cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn được tổ chức với định dạng giám khảo nhận xét trực tiếp thí sinh sau mỗi phần thi thì giám khảo của chương trình bắt đầu trở thành điểm nóng.

Giám khảo “ăn khách”

Ra đời sớm hơn Vietnam Idol nhưng cách thức hoạt động của Ban Giám khảo Sao Mai - Điểm hẹn không khác gì mấy so với Vietnam Idol, thậm chí ban giám khảo còn xôm tụ hơn về số lượng thành viên. Sự cố giám khảo, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhận xét “gây sốc” thí sinh và khán giả theo dõi chương trình Sao Mai -Điểm hẹn 2004, gây chấn động dư luận khiến những nhà tổ chức, báo giới kể cả các nhà quản lý bắt đầu quan tâm hơn những thành viên giám khảo được mời ngồi ghế nóng.

Thực tế, ban giám khảo của một cuộc thi đủ sức kéo khán giả đến với chương trình không phải là chuyện lạ. Cuộc thi American Idol có vị giám khảo danh tiếng Simon Cowell với những phát ngôn “cực sốc” của ông, khiến khán giả thế giới càng chú ý hơn đến chương trình. Thí sinh bị “sốc” đến nóng mặt, còn nhà tổ chức thì bằng mọi giá giữ lại Simon Cowell cho chương trình.

Giám khảo Trần Tiến (bìa trái) đã rút lui khỏi chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2011. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

“Chính Simon Cowell là người giữ chân khán giả ngồi trước truyền hình”- Giám đốc sản xuất chương trình American Idol Nigel Lythgoe chia sẻ. Nigel Lythgoe còn cho biết có tới 50% trong tổng số hơn 26 triệu khán giả của American Idol đã tuyên bố “sẽ không xem chương trình này khi Simon ra đi, còn 32% thì lưỡng lự vì còn tùy người thay thế Simon Cowell là ai”.

Vietnam Idol chưa có được một giám khảo như Simon Cowell nhưng ca sĩ Siu Black có đến 3 mùa ngồi ghế nóng của cuộc thi này, trong khi các thành viên khác được thay đổi mỗi năm. Lý do đơn giản của nhà tổ chức đưa ra là vì “chị Siu có phong cách đang được số đông khán giả yêu thích”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng là gương mặt quen thuộc từ Vietnam Idol đến Sao Mai - Điểm hẹn, anh cũng được xem là giám khảo ăn khách trong những sân chơi này. Gần đây, có nhạc sĩ Trần Tiến với những nhận xét gây “chấn động dư luận” trong chương trình Album vàng. Vì vậy, ông được mời và tiếp tục làm dậy sóng dư luận trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2011.

“Búa rìu” dư luận

Trong những chương trình mang tính tương tác cao, các thành viên ban giám khảo được xem là những “diễn viên” của chương trình. Họ được nhà sản xuất chương trình phân vai, thường theo công thức: “thiện” - “ác” - “trung tính”. Có chương trình, việc phân vai này rất rõ ràng và cố định, có chương trình các thành viên giám khảo và đạo diễn chương trình linh động phân công trong từng đêm thi.

Được chọn làm nhân vật ngồi ghế nóng tức là phải chấp nhận đối diện với “búa rìu” của dư luận. Mỗi lời khen hay chê của giám khảo đều được khán giả soi rất kỹ.

Nhạc sĩ Trần Tiến được nhiều người so sánh như là Simon Cowell Việt Nam. Thế nhưng,  chỉ mới ngồi ghế nóng chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2011 qua 3 live show, ông bất ngờ rút lui với lý do đụng lịch đi diễn ở châu Âu. Không nói ra thì ai cũng biết nhạc sĩ Trần Tiến đang chịu áp lực của dư luận cũng như nhà tổ chức chương trình sau một số nhận xét của ông dành cho thí sinh qua mỗi phần thi của họ, theo kiểu “rất Trần Tiến” và đã gặp phải sự phản ứng không hay từ phía công chúng.

Những nhận xét theo kiểu của Simon: “Anh nghĩ chúng tôi đang tìm kiếm ai - một đứa trẻ 2  tuổi không biết hát?”, “Cô đã sáng chế ra một loại hình tra tấn mới” hay “mạo muội hỏi cậu rằng cậu hát bài đó vào đêm vợ cậu bỏ đi hả?”… tưởng chừng rất đáng ghét nhưng lại được khán giả nhiều nước thích thú.

Nhưng những lời nhận xét hơi trần trụi của nhạc sĩ Trần Tiến được báo chí trích ra những câu “nhạy cảm nhất” để đăng lại và bình luận lập tức tạo nên cơn sốt trong dư luận, với hàng ngàn lời phản hồi không đồng tình, thậm chí có cả những chỉ trích nặng nề của những người quá khích.

Không cho nhận xét theo kiểu Trần Tiến thì không còn là giám khảo Trần Tiến và ông đã chọn giải pháp rút lui. Trước đây, cũng vì nhận xét “Em mặc đồ như nữ tu” mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã rời ghế nóng ở Sao Mai - Điểm hẹn 2004 vì sự phản ứng của khán giả.

Xem ra, việc mua vui cho khán giả của giám khảo trong những chương trình giải trí trên truyền hình không dễ chút nào. Họ phải làm sao để góp phần thu hút công chúng nhưng lại phải chịu đối mặt với “búa rìu” dư luận.

Nhà thơ, nhà báo  Đỗ Trung Quân:

Khán giả là bà mẹ chồng khắt khe!

Tám năm trước, tôi ngồi vào chiếc ghế nóng giám khảo của Sao Mai - Điểm hẹn 2004. Đấy là lần đầu tiên ngành giải trí truyền thông có một chương trình tựa như Idol. Khán giả hoàn toàn không được thông báo sự phân công vai trò, quan điểm phát ngôn của từng thành viên ban giám khảo.
Kết quả là chỉ sau 1 phút 15 giây, nhận xét của tôi với một nữ thí sinh (tôi được giao vai trò nhận xét về trang phục và giọng hát theo cách của mình và buộc phải thật nhanh, gọn, không quá 3 phút vì thời lượng sóng quy ước) lập tức gây… nghẽn mạng hầu như toàn quốc trong buổi tối hôm ấy bởi lẽ trước đó, khán giả Việt Nam chưa từng được nghe những nhận định trực tiếp như thế.
Ban tổ chức thực sự không “sa thải” tôi nhưng thấy được sức ép từ dư luận đối với ê-kíp thực hiện, tôi vui vẻ xin rút khỏi ban giám khảo. Tôi hiểu thời điểm ấy chưa đủ chín muồi cho cuộc thể nghiệm kiểu này.

Khán giả luôn là “bà mẹ chồng khe khắt”. Nói vui thì trách, nói nghiêm thì chê, nói dở thì… mắng. Văn hóa đại chúng qua truyền thông của ta là thế. Nó mang đậm tính phê phán hơn là giải trí vui vẻ.

Đến nay, tình hình đã khác xa, từ cực này đã chuyển sang cực khác. Những cuộc chơi theo định dạng nước ngoài nhiều hơn, quen thuộc hơn, các vị giám khảo được nói năng phóng khoáng hơn nhưng chiếc ghế giám khảo vẫn cứ là ghế nóng. Khán giả vẫn là áp lực khó khăn nhất. May thay, trong thời đại internet, những luồng ý kiến trái ngược vẫn song song nhau. Nó giúp mở rộng kiến thức, quan điểm cho cả hai phía: khán giả - ban giám khảo.  (Ở đây, tôi loại bỏ thái độ chửi bới nặng nề, xúc phạm cá nhân cũng là một vấn nạn của văn hóa mạng).

Cuộc chơi hôm nay tuy đã khác xưa, khán giả nhạy bén hơn, am hiểu trò chơi hơn nhưng cũng đồng thời lộ rõ những bất cập từ phía giám khảo nhiều hơn. Đã qua rồi cái thời cứ có chút tiếng tăm, tên tuổi là muốn phán gì thì phán.
Các cuộc thi đòi hỏi dù vui vẻ thế nào cũng phải đủ chuyên môn để đưa lên bảng điểm và nhận xét thí sinh. Điều ấy khó, quá khó trong mặt bằng văn hóa hiện tại. Người nổi tiếng thì nhiều nhưng đủ năng lực, kiến thức cho cuộc chơi lại tỉ lệ nghịch.
Bao nhiêu người khi ngồi trước khán giả đủ tỉnh táo để nhớ ra trong hàng triệu người ấy có vô số người giỏi hơn ta, là thầy ta, để cẩn trọng trong kiến thức. Tôn trọng khán giả và giữ được quan điểm, không khí vui vẻ, cởi mở của cuộc chơi và phong cách riêng của mình là thử thách hàng đầu với bất cứ ai gật đầu ngồi vào chiếc ghế nóng trước hàng triệu người xem.

Ngân Hoa ghi

Thùy Trang

 

 

Lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm này246
mod_vvisit_counterHôm qua1022
mod_vvisit_counterTuần này2326
mod_vvisit_counterTuần trước2153
mod_vvisit_counterTháng này2502
mod_vvisit_counterTháng trước12740
mod_vvisit_counterTất cả3928491