Công Ty Cổ Phần Truyền Hình Cáp Sông Thu

Khi phim Việt nhuốm màu… tài trợ

Email In PDF.

Không khó để nhận thấy sự xuất hiện ngày càng thô thiển và khiên cưỡng của các thương hiệu, sản phẩm quảng cáo trong phim Việt thời gian gần đây. 

Chúng được “cài cắm” nhan nhản và vô tội vạ vào bất cứ cảnh quay nào, tình tiết nào của phim mặc cho có hợp logic hay không. Mới hay, quyền uy của nhà tài trợ trong phim Việt quả là không nhỏ!

Từ sự xuất hiện “tình cờ”

Giới làm phim ai cũng biết sự có mặt của các nhà tài trợ và quảng cáo là một trong những vấn đề sống còn của bộ phim. Nhưng làm thế nào để sự có mặt đó xuất hiện khéo léo và hiệu quả thì không phải dễ. Tất cả nhờ vào tài năng sáng tạo của đạo diễn và nhà biên kịch. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng kể: Trong một bộ phim, để thực hiện hợp đồng tài trợ với một nhãn hiệu kẹo cao su, khi quay cảnh anh chàng ngồi chờ người yêu, ông đã sáng tác thêm động tác bóc kẹo cao su cho vào miệng. Nhưng vì động tác này chỉ diễn ra chưa đầy 30 giây, tức chưa đạt yêu cầu “xuất hiện tối thiểu 4 phút” của nhà tài trợ nên ông lại tiếp tục phải vắt óc sáng tạo, cuối cùng nghĩ ra cách để cho nhân vật dùng luôn giấy kẹo gấp thành con hạc giấy tặng người yêu. Kết quả là nhãn hiệu sản phẩm đã được lồng ghép vào nội dung phim rất hợp lý, tự nhiên và còn làm cho cảnh phim thêm phần lãng mạn.


Quảng cáo lộ liễu trong phim "Xin thề anh nói thật"

Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng đạt được “trình độ cài cắm điêu luyện” như thế. Người xem dù có dễ dãi đến mấy cũng phải phát cáu khi bị tra tấn liên tục bởi những màn quảng cáo “chướng tai gai mắt” trong suốt 6 tập của bộ phim “C13 đón tết” ra mắt hồi đầu năm 2011.

Đủ các loại kẹo, kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo cao su của nhà tài trợ xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trên phim. Nhân vật dù buồn hay vui cũng được đạo diễn cho ăn kẹo. Đến anh bảo vệ tòa nhà chung cư cũng chọn cách trả tiền thừa cho khách gửi xe bằng kẹo rồi còn bồi thêm “loại này ngon lắm, ăn một lần là nhớ mãi!”. Trong một tình tiết khác, ông tổ trưởng khu chung cư không ăn được vì lo nghĩ “chuyện thiên hạ” rồi ho sù sụ. Vợ ông liền chạy ngay ra lấy lọ thuốc ho “mua như đúng lời ông dặn”. Cảnh quay được zoom thẳng vào chai thuốc ho và ông tổ trưởng chầm chậm rót thuốc vào cái nắp nhỏ, uống xong thì nói “Uống loại này vào là khỏi ngay”.

Tương tự, khi xem phim “Nếu chỉ là giấc mơ” phát sóng trong chương trình Rubic 8 cách đây chưa lâu, khán giả ngỡ như đang xem phim quảng cáo cho Công ty Thời trang Chic land. Đầu tiên là cho các nhân vật cả nam lẫn nữ tới mua đồ tại cửa hàng Chic land. Tiếp đó, cả một show diễn thời trang mini được dựng lên với logo Chic land to đùng trên sân khấu. Rồi màn tặng quà của ông bố cho con gái, màn chọn mua đồ của bà mẹ và cậu con trai… Đâu đâu cũng thấy xuất hiện hình ảnh của nhãn hiệu thời trang này. Hay trong phim “Xin thề anh nói thật” quảng cáo “Ecopark- thành phố của những màu xanh” chiếm hết một nửa màn hình ti vi đập ngay vào mắt người xem trông rất phản cảm. “Lời thú nhận của Eva” đang chiếu trên VTV3 cũng xuất hiện những hình ảnh quảng cáo vô duyên. Dù đang vội vã đưa cậu con trai đến trường và đi làm, nhưng người bố (Hứa Vĩ Văn) vẫn nhớ mang theo hộp thuốc đông dược. Tình tiết này không khác gì đoạn phim quảng cáo thuốc vẫn thấy trên truyền hình.

Nói về vấn đề quảng cáo trong phim, đạo diễn hình ảnh đến từ Hollywood là Joel Spezeski – người từng cộng tác làm phim “Mưa thủy tinh” và “Giải cứu thần chết” – cho rằng: “Vấn đề đặt ra là phải làm sao cho sản phẩm, thương hiệu xuất hiện trên phim phải thật tình cờ, thật tự nhiên cho dù ai cũng biết là sự xuất hiện đó có dụng ý”. Ngay cả những đạo diễn kỳ cựu như Lê Hoàng được tiếng là tinh và sắc nhiều khi cũng rất “nghèo nàn” trong ý tưởng lồng ghép quảng cáo vào phim. Khi làm “phù thủy” cho dòng xe Suzuki Vitara trong “Lọ lem hè phố”, Lê Hoàng cũng chỉ biết zoom ra, zoom vào logo của xe, rồi lượn lờ quanh thân xe. Mọi thứ thật thô, lồ lộ và vô duyên trước mắt khán giả. Mới thấy, để cho sản phẩm xuất hiện tình cờ trên phim quả không dễ dàng chút nào.

Đến quyền uy của nhà tài trợ

Xuất hiện “tình cờ” trên phim ảnh là lựa chọn tối ưu để việc quảng cáo sản phẩm, thương hiệu của nhà tài trợ đỡ thô thiển, đỡ nhàm chán. Tuy nhiên, nhiều nhà tài trợ vì muốn có được “sự tình cờ” này đã sẵn sàng bỏ tiền “mua” quyền chi phối ít nhiều vào nội dung kịch bản phim mặc cho việc mình không hề có tý kinh nghiệm hay hiểu biết gì về ngôn ngữ điện ảnh. Vì thế mà trong rất nhiều bộ phim, các “tình tiết theo yêu cầu” của nhà tài trợ đã xuất hiện bất chấp nó có hợp lý hay không, có logic với nội dung phim hay không.

Nhiều đạo diễn than thở: tình huống và góc nhìn thẩm mỹ trong phim lắm khi không được những người có kinh nghiệm xử lý mà lại phải theo ý muốn của người bỏ tiền và nhà tài trợ. Như thế mới có trường hợp nhân vật mỗi lần vào quán nước chỉ gọi mỗi một loại nước uống, hay bất kỳ trong không gian nào thì sản phẩm tài trợ cũng “ló mặt” vào, dù không thích hợp. Không ít bộ phim truyền hình đã biến thành một sản phẩm thương mại chỉ vì lý do như thế, nó mang đậm màu sắc của… quảng cáo, nó phục vụ tối đa cho mục đích kinh doanh và mất đi hoàn toàn tính nghệ thuật!

Vẫn biết rằng, vấn đề kinh phí và nhà tài trợ là một trong những vấn đề sống còn của bộ phim trong thời kinh tế thị trường. Thế nhưng, thật chạnh lòng khi nghe đạo diễn phim “Cô gái xấu xí” tâm sự rằng, để có nước uống cho đoàn phim nhằm tiết giảm chi phí, nhà sản xuất đó ký hợp đồng tài trợ với một đơn vị nước suối. “Phim cả trăm tập, lâu lâu qua năm bảy tập mình quên không đưa hình ảnh nước suối của họ vào, thế là họ đòi kiện, đòi cắt hợp đồng. Thú thực làm phim vướng tài trợ rất khó chịu, nhiều khi buộc phải chiều ý họ mà làm, lại phải làm sao cho khéo, nếu không phim rất dễ gây phản cảm”.

Và nỗi ám ảnh của nhà làm phim

Đôi khi vấn đề không nằm ở phía nhà tài trợ mà lại chính ở những nhà sản xuất phim. Có đạo diễn kể: Vấn đề tài trợ ám ảnh nhà sản xuất phim tới mức bất cứ sản phẩm nào dù vô tình hay hữu ý, nếu không tài trợ thì nhất định không được xuất hiện trong phim. Trong một kịch bản có đoạn trên đường đi nhân vật dừng lại mua bánh mì. Vì anh ta là người khá giả, không thể cho anh ta mua ở những hàng quán bình dân, đạo diễn cho anh ta bước vào tiệm bánh mì của Như Lan. Nhưng vì Như Lan không phải nhà tài trợ nên đạo diễn đó bị nhà sản xuất bắt bẻ, buộc phải thay đổi cảnh quay…

Để ý một chút rất dễ nhận ra “sự kiểm soát” chặt chẽ những hình ảnh liên quan đến các nhãn hiệu hàng hóa trên phim. Trong một tập phim phát sóng mới đây trên truyền hình, bối cảnh một cuộc họp, trên bàn để khá nhiều chai nước suối, nhưng tất cả những chai nước này đều đã bị bóc nhãn trơ trụi. Điều này có nghĩa, bộ phim đó không mời gọi được tài trợ của hãng nước suối kia! Cũng như vậy đối với trường hợp sử dụng điện thoại di động. Nếu cảnh quay cận chiếc điện thoại để thấy tin nhắn hoặc cuộc gọi tới, đạo diễn thường sẽ bị chỉ đạo phải dùng băng keo cùng màu che nhãn hiệu lại.Những chuyện tưởng chừng nhỏ này gây không ít mệt mỏi, khó chịu đối với người làm công việc sáng tác…

Để kết lời, xin được nhắc lại lời tâm sự đầy cay đắng của một đạo diễn có tên tuổi, người đó phải không ít lần “vì miếng cơm, manh áo mà ngậm bồ hòn làm ngọt” để nhận “sự chỉ đạo” của các nhà tài trợ: “Chúng tôi rất biết ơn các nhà tài trợ vì đã đóng góp một phần chi phí để chúng tôi có thể làm phim tốt hơn. Thế nhưng, xin cũng đừng biến nghệ thuật thành nô lệ cho sản phẩm, đừng lấy nghệ thuật làm bàn đạp để tâng bốc sản phẩm một cách phi lý”.

Theo Petrotimes

 

 

Lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm này5
mod_vvisit_counterHôm qua1022
mod_vvisit_counterTuần này2261
mod_vvisit_counterTuần trước2208
mod_vvisit_counterTháng này2261
mod_vvisit_counterTháng trước12740
mod_vvisit_counterTất cả3928250