Công Ty Cổ Phần Truyền Hình Cáp Sông Thu

Phim truyền hình, vàng thau lẫn lộn

Email In PDF.

Cơ chế cào bằng
Những sản phẩm ra đời bởi một đội ngũ làm phim tâm huyết, nhà sản xuất đầu tư tối đa cho chất lượng cũng được ứng xử ngang bằng với sản phẩm kém chất lượng và lối làm phim chụp giật

Khi lượng khán giả là người quyết định mức tài trợ cho phim và số lượng post quảng cáo nhiều hay ít trong mỗi tập phim lên sóng thì những kênh truyền hình có độ phủ sóng toàn quốc luôn là đất vàng để các nhà làm phim truyền hình tìm mọi cách nhảy vào và các nhãn hàng tài trợ, quảng cáo dễ dàng mở hầu bao. VTV và HTV là hai đài truyền hình đang hưởng những lợi thế này.

Vàng, thau như nhau

Khi nhà sản xuất nào cũng muốn chen chân vào những khu đất vàng này thì việc được lọt vào kế hoạch lên sóng là không hề đơn giản, phải xếp hàng chờ mỏi mòn nếu không nhanh chân, khéo léo xí phần trước.
Điều đáng nói là có những phim chất lượng, được làm nghiêm túc với một đội ngũ yêu nghề và một thương hiệu sản xuất có uy tín lại phải nằm chờ lên sóng, trong khi nhà đài cứ đưa lên sóng, theo kế hoạch đã đăng ký trước của nhà sản xuất, những bộ phim được làm theo cách chụp giật, vô trách nhiệm, như Anh chàng vượt thời gian hay Hai gia đình…, dù biết phim sẽ gặp phải sự phản ứng của khán giả ngay sau đó.

Cảnh trong phim Vật chứng mong manh do Đài Truyền hình TPHCM đặt hàng Công ty Hành tinh xanh
sản xuất, được khán giả khen ngợi khi phát sóng trên HTV7 (ẢNH DO ĐOÀN LÀM PHIM CUNG CẤP)
Tình trạng cào bằng trong kinh phí đặt hàng của các đài truyền hình, không phân định là phim hay hay dở, chất lượng phim như thế nào, chỉ cần có phim là được tính 200 triệu đồng/tập (được đổi thành 4 post quảng cáo TVC 30 giây trong giờ vàng), đã để lại nhiều hệ lụy. Cách làm này không chỉ không khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao chất lượng phim mà còn tạo điều kiện cho những kẻ làm ăn chụp giật mặc sức kiếm lợi.

“Không chỉ nhà sản xuất mà các nhà đài cũng cần phải nâng cao ý thức giữ khán giả bằng chất lượng phim trên sóng giờ vàng vì như thế, các nhà sản xuất dễ dàng tìm được tài trợ và các đài sẽ tăng doanh thu quảng cáo”- một nhà sản xuất tâm huyết nói.

Một nhà sản xuất tâm huyết cho rằng chính cơ chế cào bằng này đã làm cho những nhà sản xuất tâm huyết muốn đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng phim nản chí. Các nhà đài nên có cơ chế linh động trong đặt hàng và có chính sách khen phạt rõ ràng mới mong giải quyết tình trạng vàng, thau lẫn lộn của phim truyền hình hiện nay. Chẳng hạn, đơn vị nào có phim lên sóng bị khán giả phê phán về chất lượng thì không còn được ưu tiên đặt hàng.

Sao không “chọn mặt gửi vàng”?

Cũng phải ghi nhận sự đóng góp của nhiều đơn vị sản xuất phim truyền hình theo phương thức xã hội hóa có trách nhiệm và uy tín, như Hãng Nhất Tâm Lasta, Hãng Phim Việt, Hãng M&T Pictures… Đây là những đơn vị có năng lực, tâm huyết và muốn phát triển thương hiệu của mình một cách bền vững.
Có thể sản phẩm của họ chưa thật xuất sắc, đòi hỏi cần phải nỗ lực nhiều hơn để chinh phục khán giả nhưng không thể là những sản phẩm được làm với thái độ chụp giật, vô trách nhiệm với xã hội để rồi tự giết chết mình. Chỉ tiếc rằng những đơn vị này cũng không được các nhà đài ưu ái gì hơn các công ty làm phim chụp giật khác.

Cơ chế hiện nay là nhà đài đặt hàng, các đơn vị sản xuất xã hội hóa làm theo. Vì vậy mới có chuyện bản quyền phim do các đài nắm giữ. Trên thực tế, việc “đặt hàng” chỉ mang tính hình thức và ai cũng có thể trở thành khách hàng, bất kể người đó có năng lực sản xuất hay không. Cách làm này dễ để cho những kẻ làm ăn chụp giật, chỉ biết thu lợi cá nhân mà không quan tâm đến trách nhiệm đối với xã hội chen chân vào.

Tại sao các đài không chọn ra những nhà sản xuất đủ năng lực và uy tín để liên kết trở thành những đối tác thường xuyên của mình? Và chỉ những đơn vị nào chứng minh được năng lực sản xuất của họ mới được lọt vào danh sách này?

Ông Nguyễn Anh Xuân, Trưởng Ban Khai thác phim truyện, Đài Truyền hình TPHCM:

Sẽ thẩm định trên bản phim thành phẩm

Những bộ phim kém chất lượng được phát trong giờ vàng là những “hạt sạn đáng tiếc và không ai muốn điều đó xảy ra”. Ông Nguyễn Anh Xuân cho biết: “Sau những phản ứng của dư luận, chúng tôi luôn chú trọng cẩn thận nhiều hơn trong khâu kiểm duyệt, thẩm định kịch bản. Trước đây, đài đã từng chấp nhận cho thể hiện dạng nhân vật đồng tính trên phim hoặc có thể du di cho qua với những cảnh nhạy cảm nhưng thời gian gần đây, những vấn đề nhạy cảm luôn được kiểm duyệt gắt gao hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ không chỉ thẩm định trên kịch bản mà còn trên bản phim đã hoàn thành”.

Truyền hình công ty nỗ lực cạnh tranh

Hiện nay, một số kênh truyền hình do các công ty tư nhân đầu tư có lợi thế hơn trong nỗ lực làm hấp dẫn “ao ta” bằng cách trực tiếp sản xuất phim phát sóng trên kênh truyền hình riêng để cạnh tranh. Điển hình là Công ty Truyền hình cáp SCTV với giờ phim vào lúc 19 giờ 45 phút trên kênh SCTV14. Ông Trần Văn Úy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền hình cáp SCTV, khẳng định phim được phát sóng trên giờ phim Việt của SCTV4 sẽ là những phim mới hoàn toàn và được đầu tư có chất lượng. Đây cũng là một trong những nỗ lực đổi mới chất lượng chung của các kênh truyền hình SCTV. Những phim mở đường như Chạm vào quá khứ đến Cuộc chiến hoa hồng (phần 2), Sai lầm... nhận được những phản hồi tốt.

Với cam kết: “Đưa khán giả Việt đến gần với phim Việt hơn bằng 300 giờ phát sóng phim Việt chất lượng cao”, Công ty Trí Việt Media (TVM) cũng đang trong cuộc cạnh tranh giành khán giả phim Việt. Sau Dù gió có thổiCá rô, em yêu anh, đặc biệt là phim Cuối đường băng được đơn vị này đầu tư với mức kinh phí khá cao. Công ty D.I.D – kênh truyền hình HTV2 - cũng vào cuộc bằng dự án phim Vợ tôi là số 1 phiên bản Việt – từ kịch bản phim ăn khách của Hàn Quốc. Kênh truyền hình Today TV cũng đã hợp tác sản xuất phim riêng cho giờ vàng… Rõ ràng, VTV và HTV đã không còn giữ vị trí độc quyền với phim Việt giờ vàng như trước đây và hoàn toàn có thể mất khán giả nếu như phát sóng những bộ phim khiến người xem chán ngán.

Chỉ tiếc rằng phạm vi phủ sóng của những kênh truyền hình này còn hạn chế nên lượng người xem không thể nhiều hơn các đài truyền hình có độ phủ sóng rộng khắp toàn quốc, ngay trong thời điểm hiện nay, do vậy khả năng cạnh tranh chưa cao.

Nói như ông Nguyễn Anh Xuân, trong thời buổi phim truyền hình phát triển như hiện nay, các nhà đài cũng phải cạnh tranh giành khán giả riêng về mình, cho nên việc chú trọng chọn lọc phim để phát sóng là vô cùng quan trọng.

T.Quyên

Huy Nguyên

Trích Báo người lao động



 

Lần cập nhật cuối ( Thứ năm, 04 Tháng 8 2011 08:16 )  

Lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm này4
mod_vvisit_counterHôm qua1022
mod_vvisit_counterTuần này2260
mod_vvisit_counterTuần trước2208
mod_vvisit_counterTháng này2260
mod_vvisit_counterTháng trước12740
mod_vvisit_counterTất cả3928249