Công Ty Cổ Phần Truyền Hình Cáp Sông Thu

Phim Việt: Diễn xuất dở đâu chỉ do đạo diễn

Email In PDF.

Những diễn viên trẻ đã ít nhiều đem lại diện mạo mới cho phim Việt. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, các diễn viên trẻ còn thiếu vốn sống, chưa qua đào tạo bài bản, thiếu đầu tư cho vai diễn nên đã dẫn tới một thực trạng diễn xuất nhợt nhạt... Một số diễn viên trẻ đang tham gia đóng phim đã có những chia sẻ cùng bạn đọc

Diễn viên Khương Ngọc (bìa phải) vào vai Bảo trong bộ phim truyền hình Taxi  - Ảnh: TFS

Diễn viên Khương Ngọc: “Quan trọng là có ý thức xây dựng bản thân"

Diễn viên Khương Ngọc (tham gia các phim truyền hình: Giấc mơ biển, Taxi, Dòng sông huynh đệ, Vua sân cỏ, Cuộc chiến hoa hồng...) - Ảnh: Tùng Châu

Tôi nghĩ khen chê là điều bình thường trong cuộc sống, không riêng lĩnh vực nào. Nhưng quan trọng là những người trong cuộc sẽ tiếp nhận những lời chê đó như thế nào và bản thân những người đưa ra lời chê đó có sự chân thành và mong muốn cho sự thay đổi hay không.

Chất lượng phim truyền hình Việt đi xuống hay đi lên bản thân một đạo diễn hay diễn viên không thể là người quyết định, đó là cả một guồng máy, một hệ thống tư duy, không dễ thay đổi và chỉ mong những lời chê đầy thiện ý sẽ còn theo dài để những người trong cuộc được nhận ra vấn đề tồn tại.

Tôi sẽ không nói đến những cụm từ lớn lao như: đam mê, tình yêu, hơi thở, sự sống... Bởi chẳng ai có thể so sánh được tình yêu nghề của diễn viên này lớn hơn diễn viên kia. Còn nếu nói về vốn sống, thì tôi thấy cần có sự rạch ròi. Bao nhiêu cho đủ và bao nhiêu là thừa? Ví dụ như chúng tôi đóng phim về thời chiến, những ngày tháng hào hùng của dân tộc, thì chắc chắn chúng tôi thiếu trầm trọng, nhất là tinh thần của những ngày tháng đó của những người trẻ xông pha trận mạc. Nhưng nếu để diễn tả đời sống đương đại thì người trẻ như chúng tôi đang phản ảnh một đời sống thực tại của chính chúng tôi, của khát vọng, năng động.

Vốn sống là quan trọng, nhưng tinh thần thể hiện vốn sống đó cũng như tinh thần của một bộ phim cũng quan trọng không kém. Đặt mình vào vị trí một khán giả, tôi luôn tìm kiếm trong một bộ phim (dù phim nhựa hay phim truyền hình) sự đồng cảm với chính mình, chứ không tìm cách hiểu bộ phim như ý đạo diễn hay ai đó muốn mình hiểu theo cách đó.

Tôi là một nhân tố nhỏ, nên nhận xét về lời thoại trong phim truyền hình Việt thì rất dễ thừa và sai. Tôi chỉ nói ở những bộ phim mà tôi góp mặt: tôi thấy nó ổn. Có thể đôi chỗ còn những gượng gạo, sách vở, nhưng tôi luôn chủ động ngồi nói chuyện, trao đổi với đạo diễn để gợi ý một phương án “mềm và đời hóa” những câu chữ đó. Tôi thường đạt được kết quả tốt với những lần như vậy.

Tôi không đặt nặng chuyện học hành trên con đường thành công của một diễn viên, dù không phủ nhận chuyện học cũng mang lại những lợi thế nhất định. Nếu bạn đang lên án những diễn viên không học nghề diễn, thì cũng nên có cái nhìn ngược chiều - khen ngợi - những diễn viên không học hành nhưng vẫn thành công với lựa chọn của mình.

Thực tế đã chứng minh nhiều diễn viên VN lẫn thế giới thành công, đoạt nhiều giải thưởng là những người không qua trường lớp. Cái quan trọng là người trong cuộc có ý thức xây dựng bản thân, tự đào tạo, tìm tòi học hỏi cũng như tích lũy kiến thức từ thực tế phim trường đến sách vở, Internet.

Diễn viên Phạm Kiều Khanh: “Phải thực sự lắng nghe những lời chê”

Diễn viên Kiều Khanh (các phim đã tham gia: Lốc xoáy tình đời, Giấc mơ biển) - Ảnh: nhân vật cung cấp

Phim Việt đang trên đà phát triển mà, dĩ nhiên khó tránh khỏi thiếu sót. Ý kiến phản hồi của khán giả dù khen chê cũng là cơ sở để các nhà làm phim quan tâm hơn đến chất lượng, để cống hiến tốt hơn. Ngay cả diễn viên cũng phải nghe khán giả, lên blog thường xuyên để trau dồi cho mình từ khả năng diễn xuất, ngoại hình, và tất nhiên uy tín và sự nghiêm túc trong công việc.

“Tre già măng mọc”, có thể diễn viên trẻ tuy chưa có nhiều vốn sống, nhưng họ có “lửa”, họ có cách cảm nhận vai diễn và thể hiện tính cách nhân vật theo lối đi riêng của họ chứ? Vai trò của đạo diễn luôn cần thiết, quyết định tính cách của nhân vật. Nhưng không phải đạo diễn nói gì thì diễn viên theo nấy, mà cả hai phải cùng trao đổi để hoàn thiện nhân vật theo hướng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, lời thoại của một số phim còn hơi dài và khó hiểu, đến diễn viên còn thấy… “oải” thì làm sao mà chuyển tải trọn vẹn cảm xúc đến khán giả?

Nghệ thuật là của đại chúng. Có nhiều người đào tạo trường lớp hẳn hoi, nhưng không bén duyên được với nghệ thuật, thì ngược lại có rất nhiều người đầy đam mê và đầy đủ tố chất bẩm sinh, họ có quyền chọn xuất phát điểm cho mình ở đâu là phù hợp nhất. Quan trọng là họ sống được với nghề, và sống hết mình với nghề.

Diễn viên Diễm My: “Diễn viên không chỉ trông mong vào đạo diễn"

Diễn viên Diễm My (tham gia các phim: Tiểu thư lọ em, Mùa hè sôi động, Dòng đời nghiệt ngã) - Ảnh: nhân vật cung cấp

Có quá nhiều phim truyền hình phát sóng, có những phim hay, đầu tư tốt từ kịch bản, diễn xuất, và cũng có những phim cẩu thả, kết cấu rời rạc và kéo cho đủ thời lượng. My thấy rằng do cuộc sống đô thị hối hả, đôi khi khán giả không đủ thời gian theo dõi trọn vẹn các phim, khi bật TV lên thường đòi hỏi những sản phẩm chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu, nhưng nếu không may trúng vào những phim tồi thì đánh đồng tất cả phim truyền hình VN là tệ, thì thật oan cho giới nghệ sỹ.

Diễn viên thường tự đòi hỏi mình phải trau dồi năng khiếu, khả năng cảm thụ và điều tiết cảm xúc của mình, rồi dĩ nhiên phải thật yêu nghề. My nhấn mạnh điều này, vì có khi diễn viên đi trễ hay diễn không đạt bị mắng rất nặng. Cho nên nếu không kiên trì, nhẫn nại và gắn chặt với nghề thì sẽ không tiến xa được.

Thời buổi ngày nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội học tập hơn, tiếp xúc nhiều hơn với truyền thông, vả lại còn có hoạt động cọ xát thực tế bằng hoạt động xã hội, ngoại khóa. Nếu như diễn viên trẻ được đầu tư, chăm chút, và tự rèn luyện mình thì ai dám đinh ninh rằng họ thua xa những diễn viên đi trước?

Muốn có một món ăn ngon thì phải đi chợ mua đồ ăn tươi, ngon, nhưng sau đó phải biết chế biến và nêm nếm sao cho phù hợp. Đạo diễn là người đi chợ, còn diễn viên là người nấu. Đạo diễn đề xuất trình tự diễn biến tâm lý cho diễn viên, chỉnh sửa khi cần thiết, còn diễn có đạt hay có sáng tạo thêm hay không, thì đó là ý thức và khả năng của tự mỗi diễn viên.

Tôi là diễn viên không qua trường lớp, nên đương nhiên tôi nhìn nhận chuyện này không quá khắt khe. Như đã nói, điều quan trọng nhất là năng khiếu và lòng đam mê. Tuy nhiên tôi không phủ nhận rằng việc đào tạo bài bản, chuyên sâu sẽ giúp tạo nên nền tảng rất tốt cho diễn xuất của mình về lâu dài, nên tôi cũng sẽ trau dồi khả năng bằng các khóa đào tạo trong thời gian tới.

KHỂNH thực hiện

 

 

Lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm này627
mod_vvisit_counterHôm qua306
mod_vvisit_counterTuần này1685
mod_vvisit_counterTuần trước2153
mod_vvisit_counterTháng này1861
mod_vvisit_counterTháng trước12740
mod_vvisit_counterTất cả3927850