Nguyễn Văn Tuấn, nhà cung ứng dịch vụ truyền hình cáp uy tín tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn đầu tiên tại Việt Nam trên địa bàn Đà Nẵng), là một người gốc Quảng năng động trên cả “lĩnh vực” từ thiện.
CÔNG ty CP Truyền hình cáp Sông Thu (ARICO CATV) thành lập tại TP.Hồ Chí Minh năm 2000 và tại Đà Nẵng 2 năm sau đó. Sau 12 năm hoạt động, truyền hình cáp Sông Thu tăng từ 24 lên 70 kênh với nhiều chương trình trong và ngoài nước, liên tục phát sóng 24/24 giờ với tín hiệu thông suốt, hình ảnh sắc nét, âm thanh rõ ràng… Công ty quy tụ đội ngũ cán bộ, công nhân viên lành nghề, giải quyết kịp thời mọi vấn đề thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, được số đông người sử dụng dịch vụ đánh giá đáp ứng được nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống văn hóa của người xem đài ở một số lĩnh vực. Nhờ vậy, truyền hình cáp Sông Thu sớm chiếm lĩnh thị phần, khẳng định chất lượng, uy tín ngay ngày đầu thành lập. Ông Nguyễn Văn Tuấn bộc bạch: “Khẳng định uy tín, chất lượng kinh doanh, bảo đảm đời sống cán bộ, công nhân viên và nhận được sự hài lòng của khách hàng là 3 mục tiêu của chúng tôi”. Giá trị, tiềm năng, thành quả kinh tế, uy tín thương hiệu của truyền cáp Sông Thu được cộng đồng ghi nhận, được các bộ, ngành và nhiều địa phương đánh giá cao. Điều này “biểu hiện” ở 42 tấm bằng khen, chưa kể kỷ niệm chương, trong đó có 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích từ thiện, Bằng khen của các bộ Công thương, Thông tin-truyền thông, Tài nguyên-môi trường cùng 2 Bằng khen của Tổng cục Thuế…
Nhà máy xử lý rác thải rắn tại Đà Nẵng. Ảnh: N.T.P.S |
Trong khi đó, Nhà máy xử lý rác thải rắn khởi công tháng 3.2010 tại Đà Nẵng do Công ty CP Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư, cũng cho thấy sự thành công của ông Tuấn trên lĩnh vực mới mẻ này. Sau 2 năm đầu tư xây dựng, Nhà máy chế biến nylon thành dầu (nằm trong dự án nhà máy xử lý rác thải) đã hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng và tiến hành lắp đặt dây chuyền xử lý để chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm vào tháng 3.2012 (giai đoạn 1 đầu tư 120 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn 550 tỷ đồng). Việc đưa nhà máy vào hoạt động giúp xử lý 650 tấn rác/ngày, đồng thời tận thu chất hữu cơ nylon, chất dẻo… từ rác để tái chế và sản xuất dầu đốt công nghiệp PO, RO, các sản phẩm than kỹ thuật, hạt nhựa tái sinh… Các sản phẩm này không chỉ có giá trị phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và đời sống mà còn có khả năng thay thế dầu PO, RO ngoại nhập. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị do Việt Nam sản xuất, chi phí đầu tư thấp so với công nghệ nhập từ nước ngoài. Ưu điểm của nhà máy là giải quyết lượng rác thải khổng lồ mỗi ngày mà không gây ô nhiễm thứ cấp bởi nước rỉ, khí thải và mùi hôi của rác ngay khi vừa tiếp nhận. “Vượt qua” tâm lý chuộng hàng ngoại, giờ đây khi theo dõi sự lớn mạnh của dự án nhà máy xử lý rác thải này nhiều người cảm thấy hãnh diện về sản phẩm Việt Nam do người Việt Nam chế tạo, bởi không có sự cách biệt so với công nghệ của các nước tiên tiến.
Từ những thành tựu vững chắc trong kinh doanh, ông Tuấn sẵn sàng chia sẻ một số trải nghiệm với giới trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. “Việc định hướng nghề nghiệp, tính toán thu nhập là việc chính đáng. Qua thực tế và ở cương vị quản lý, tôi có thể nói rằng: nghề nào cũng có cơ hội đem lại thu nhập và thành công như nhau, nếu đó là nghề bạn yêu thích và nghĩ là thế mạnh, phù hợp với bản thân” – ông Tuấn nói.
Trong khi đó, lĩnh vực hoạt động từ thiện càng giúp ông Tuấn đến gần hơn với đời sống người dân, nhất là đồng hương xứ Quảng. Khi đề cập Quỹ khuyến học huyện Duy Xuyên, ông cho biết: “Tôi sinh ra từ đất học Quảng Nam, tôi xem sự học là sự nghiệp đầu tiên, là chìa khóa mở mọi cánh cửa vào đời. Việc góp một tỷ đồng vào Quỹ khuyến học là nhắm tới các yếu tố trên nhằm hỗ trợ một phần cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, đang gặp khó khăn về tài chính. Khi điều kiện kinh tế phát triển thì việc đầu tư quỹ công ích, trọng tâm là quỹ khuyến học phải được công ty chú trọng, với mong muốn tạo điều kiện cho các em học tập, thăng tiến, trở thành công dân hữu ích cho xã hội”. Ông Tuấn cho hay, quỹ này hoạt động theo hình thức cho vay không lãi suốt quá trình đại học, và hoàn trả sau khi ra trường một năm, đến nay đã có 300 sinh viên được ưu đãi. Quỹ còn cấp học bổng cho nhiều sinh viên, mỗi sinh viên 500 nghìn đồng/tháng cho đến khi ra trường.
Với việc tham gia nhiều quỹ từ thiện công ích xã hội dành cho nhiều đối tượng, nhiều địa phương khác nữa, một người gốc Quảng như ông Nguyễn Văn Tuấn đã cho thấy nét đẹp của một doanh nhân thành đạt và từ tâm, hay nói cách khác là biết chia sẻ thành công bằng những hoạt động từ thiện.
NGUYỄN TAM PHÙ SA
- 01/12/2019 17:31 - Doanh nhân với niềm đam mê âm nhạc
- 03/04/2018 17:56 - Họp Mặt Đồng Hương tỉnh Quảng Nam tại TP HCM thành…
- 18/03/2018 11:03 - Thư mời họp mặt Đồng Hương Quảng Nam Xuân Mậu Tuất
- 15/04/2014 22:19 - Truyền hình Cáp Sông Thu nhận bằng khen của UBND t…
- 13/07/2012 09:00 - Tổ chức cho cán bộ công nhân viên nghỉ mát nhân dị…
- 27/02/2012 10:59 - UBND Tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen Ông Nguyễn Văn …
- 31/01/2012 16:44 - Ông Nguyễn Văn Tuấn Tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần …
- 20/12/2011 10:10 - "Máu" kinh doanh, "mê" từ thiện
- 18/10/2011 23:15 - Tôn vinh hơn 100 “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời…
- 26/08/2011 10:16 - TPHCM: 1.259 doanh nghiệp làm tốt nghĩa vụ nộp thu…